Quản lý tài chính cá nhân là cụm từ chưa bao giờ hết “hot”, đặc biệt là khi nhu cầu và mức sống ngày một tăng lên thì con người ta càng muốn tìm hiểu những cách thức để quản lý thật tốt những đồng tiền. Với sinh viên tham gia vào các CLB, quản lý tài chính là điều cấp thiết cần lưu tâm để không rơi vào cảnh “túng thiếu” hay “cháy ví” cuối tháng hay thậm chí là từng ngày. Dưới đây là các tips quản lý tài chính cá nhân đúng cách mà SkillHub dành cho bạn!
Xem thêm: Những kỹ năng mềm cho sinh viên năm nhất khi bước vào giảng đường Đại học
Lên ngân sách cho các hoạt động cá nhân và tập thể
Ngân sách chi tiêu cho các hoạt động
Bí kíp của việc quản lý tài chính cá nhân là bạn hiểu rõ được mình có thể chi bao nhiêu và chi đúng trong khoản ngân sách mà mình đã dành cho nó. Thông thường chúng ta sẽ dành 55% thu nhập của bạn cho nhu cầu thiết yếu, sinh hoạt cuộc sống hàng ngày bao gồm các khoản chi cho việc thuê nhà, ăn uống, mua sắm đồ dùng sinh hoạt hàng tháng, di chuyển đi lại,v.v.
Dựa trên thu nhập của bản thân và cân đối giữa các khoản chi cũng như nhu cầu cá nhân, bạn hãy tính toán một ngày, mỗi tuần, mỗi tháng mình sẽ cần bao nhiêu cho việc ăn uống, giải trí, hội họp,… Đây chính là giới hạn mà bạn không thể vượt quá mỗi lần đi chợ hoặc mở hầu bao cho việc ăn uống. Con số đầu tiên bạn đặt ra không phải là con số mà bạn phải áp dụng mãi mãi, hãy áp dụng, đánh giá việc chi tiêu và điều chỉnh sao cho phù hợp.
Xem thêm: Nâng cao kỹ năng lập kế hoạch cho tân sinh viên với quy tắc 1-3-5
Quy tắc 6 chiếc lọ
6 chiếc lọ hay JARS system là nguyên tắc quản lý tiền bạc được tạo ra bởi T.Harv Eker, doanh nhân, diễn giả, tác giả của những cuốn sách tài chính nổi tiếng như “Bí Mật Tư Duy Triệu Phú” (Secret of Millionaire Mind) và “Làm Giàu Nhanh” (Speed Wealth).
Hiểu đơn giản thì để quản lý tiền với nguyên tắc 6 cái lọ, bạn sẽ chia nhỏ tổng thu nhập hàng tháng của mình thành 6 khoản với những mức tỷ lệ khác nhau, phụ thuộc vào mức độ cần thiết theo công thức như sau:
LỌ SỐ 1: CHI TIÊU CẦN THIẾT – 55% THU NHẬP
Lọ số 1 là lọ chiếm phần trăm thu nhập của bạn cao nhất. Đây là khoản tiền mà bạn sẽ dùng để đảm bảo nhu cầu thiết yếu, sinh hoạt cuộc sống hàng ngày bao gồm các khoản chi cho việc thuê nhà, ăn uống, mua sắm đồ dùng sinh hoạt hàng tháng, di chuyển đi lại,v.v.
Vì mức sống và thói quen sinh hoạt của mỗi người sẽ khác nhau nên bạn có thể điều chỉnh khoản này sao cho phù hợp. Tuy nhiên, cần ghi nhớ rằng tỷ lệ 55% được tính toán dựa trên mức tiêu chuẩn sống cần thiết của mỗi người.
LỌ SỐ 2: TIẾT KIỆM DÀI HẠN – 10% THU NHẬP
Điều mấu chốt trong việc quản lý tài chính không phải là số tiền bạn kiếm được mà là bạn tiết kiệm được bao nhiêu. Nếu bạn muốn thực hiện những khoản chi lớn như mua laptop, mua xe, mua nhà, du học, hay sinh em bé, lọ số 2 này chính là lọ mà bạn cần chú ý.
Lọ này bao gồm các khoản tiết kiệm dành riêng cho những mục tiêu lớn và dài hạn của bạn. Nếu có nhiều mục đích dài hạn, hãy chia nhỏ con số 10% này theo thứ tự ưu tiên quan trọng và mức độ cần thiết theo thời gian của bạn, việc này sẽ giúp bạn từng bước chinh phục ước mơ của mình.
LỌ SỐ 3: QUỸ GIÁO DỤC – 10% THU NHẬP
Mỗi người chúng ta ai cũng cần hoàn thiện bản thân thông qua việc trau dồi kiến thức, rèn luyện và nâng cao kỹ năng. Bởi vậy, lọ số 3 – quỹ giáo dục này cũng có thể coi là một dạng quỹ đầu tư dành cho chính bạn. Bạn có thể dùng khoản tiền này để mua sách vở, các khóa học, khóa đào tạo phục vụ cho công việc hay sở thích của chính mình.
LỌ SỐ 4: QUỸ TỰ DO TÀI CHÍNH – 10% THU NHẬP
Tự do tài chính là hướng đến cuộc sống mà bạn có thể tự do lựa chọn làm những gì mình yêu thích và đam mê mà không phải lo nghĩ đến vấn đề tiền bạc. Đây là khoản bạn sử dụng để tham gia các hoạt động tạo ra thu nhập thụ động như gửi tiết kiệm, đầu tư, góp vốn kinh doanh. Bằng cách này, bạn bắt “tiền đẻ ra tiền”, tạo nhiều nguồn thu để nhanh chóng đạt được sự tự do tài chính, giảm sức lao động.
LỌ SỐ 5: HƯỞNG THỤ – 10% THU NHẬP
Đây là lọ mà bạn sử dụng cho mục đích chăm sóc, hưởng thụ của bản thân như mua đồ mỹ phẩm, những chuyến du lịch, cuộc gặp người thân, bạn bè,v.v. Dù mục tiêu tài chính của bạn lớn nhưng bạn không nên ngược đãi bản thân bằng cách cắt hết các khoản giải trí, chăm sóc tinh thần và sức khỏe cần thiết. Việc mất cân bằng cuộc sống và công việc không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn mà còn gây ra những áp lực tâm lý khiến bạn không thể làm việc hiệu quả. Nên nhớ rằng sức lao động của bạn có thể được tái tạo nhờ những lúc tự thưởng cho bạn thân hay nghỉ ngơi này nên đừng quá mải mê kiếm tiền mà bỏ quên việc hưởng thụ từ những thành quả mà mình đã đạt được nhé.
LỌ SỐ 6: QUỸ TỪ THIỆN – GIVE (5% THU NHẬP)
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là quỹ bạn dùng cho mục đích thiện nguyện, giúp đỡ cộng đồng, người thân, bạn bè. Đây không phải là khoản quỹ bắt buộc nên nếu bạn có khoản cần phải chi trả hơn, bạn có thể giảm tỷ lệ này xuống nhưng hãy luôn cố gắng trích một khoản nhỏ cho quỹ này nhé.
Xem thêm; 5 lời khuyên giúp nâng cao kỹ năng quản lý thời gian cho tân sinh viên
Tự bảo vệ tài sản cá nhân
Quản lý tài chính bao gồm việc bạn tự bảo vệ tài sản cá nhân của bản thân và sử dụng chúng một cách đúng đắn. Tham gia vào CLB sẽ có rất nhiều sự kiện bất ngờ xảy ra và đôi khi chính bạn cũng không thể lường trước được. Chẳng hạn như laptop của bạn đột nhiên bị hỏng, điện thoại vỡ hay xe gặp trục trặc,… Nguyên nhân có thể xuất phát từ chính bạn hoặc cũng có thể xuất phát từ những lần làm việc nhóm, trao đổi công việc giữa các thành viên trong team. Do đó, nếu không muốn tài sản có bản thân bị hao mòn theo thời gian hay gặp bất kỳ vấn đề nào khiến bạn âu lo, căng não về tài chính thì hãy bảo vệ chúng thật tốt. Bảo vệ tài sản cá nhân không phải là ích kỷ mà đó là việc làm cần thiết để bạn không gặp rủi ro hay lỗ hổng không đáng có trong quản lý tài chính cá nhân.
Quản lý chi tiêu bằng ứng dụng điện thoại
Quản lý chi tiêu cá nhân là quá trình lập kế hoạch tài chính cho bản thân. Bao gồm theo dõi, đánh giá, điều chỉnh tình trạng tài chính của cá nhân mỗi người. Quá trình này được chia theo cấp độ thời gian từ hàng ngày, hàng tuần cho đến hàng tháng và hàng năm. Trên thực tế, có nhiều hình thức bạn có thể áp dụng để quản lý chi tiêu cá nhân của mình, ví dụ bảng tính excel, sổ sách và những ứng dụng điện thoại. Tuy nhiên, trong những hình thức hiện có này, quản lý bằng ứng dụng điện thoại là phương pháp dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và tối ưu nhất cho những người mới bắt đầu. Một số ứng dụng hoàn toàn miễn phí mà bạn có thể cân nhắc là: Money Lover, HomeBudget và PocketGuard. Mỗi ứng dụng có một ưu điểm riêng, hãy sử dụng và xem ứng dụng nào đáp ứng được nhu cầu của bạn nhé.
Xem thêm: Kỹ năng Quản lý tài chính cá nhân
Kết
Hy vọng rằng bài viết này đã mang đến cho bạn một góc nhìn mới về đề tài quản lý tài chính cá nhân. Cảm ơn bạn đã đọc và chúc bạn sớm đạt được mục tiêu tài chính của bản thân trong thời gian tới!
Đừng quên SkillHub vẫn luôn đồng hành cùng bạn trong hành trình phát triển và bứt phá bản thân tại SkillHub.vn nhé!